1. Nguyên nhân khiến trẻ bị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là hiện tượng lớp màng mỏng ở mắt bị tổn thương gây nên hiện tượng đỏ ngầu và xung huyết bên trong mắt.
Nguyên nhân khiến trẻ bị đau mắt đỏ thường do sự xâm nhập của virus adeno. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh nên dễ bùng phát thành dịch.
Virus adeno - tác nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Ngoài ra, yếu tố vệ sinh kém, ô nhiễm môi trường cũng là tác nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em và khiến bệnh lâu khỏi hơn.
Trẻ có thể bị lây bệnh đau mắt đỏ qua các hình thức:
- Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đau mắt đỏ.
- Chạm tay hoặc dùng chung đồ vật với người bị đau mắt đỏ.
- Dùng chung nguồn nước với người đau mắt đỏ.
- Hay dụi tay lên mắt
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị đau mắt đỏ
+ Dấu hiệu đau mắt đỏ ở trẻ em thường xuất hiện ngay từ thời gian đầu mắc bệnh như:
- Buổi sáng sau khi ngủ dậy mắt trẻ có nhiều ghèn làm dính mi.
- Trẻ có cảm giác nóng, đau, cộm, ngứa bên trong mắt.
- Chất ghèn ở mắt trẻ màu xanh nhạt, vàng nhạt hoặc trắng sữa, đặc hoặc lỏng. Mặc dù đã được lau sạch nhưng ghèn mắt sẽ xuất hiện lại rất nhanh.
- Mi mắt trên và dưới bị sưng, phù nề.
- Mắt trẻ bị đỏ au khó chịu, có thể kèm ho và đau họng.
- Trường hợp nặng trẻ có thể bị nổi hạch phía trước tai và sốt nhẹ.
3. Xử trí đau mắt đỏ ở trẻ em
+ Đối với bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, có không ít bậc cha mẹ vẫn truyền tai nhau việc nhỏ sữa mẹ vào mắt để giúp trẻ mau khỏi vì sữa mẹ có khả năng kháng khuẩn.
- Hãy lưu ý rằng việc làm này không có cơ sở khoa học, không được dùng sữa mẹ để chữa đau mắt đỏ cho trẻ dưới bất cứ hình thức nào vì nó có thể khiến cho tình trạng viêm nhiễm ở mắt trẻ diễn tiến nghiêm trọng hơn.
- Khi trẻ có dấu hiệu đau mắt đỏ cha mẹ nên cho con khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị
- Khi phát hiện con có dấu hiệu đau mắt đỏ, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn xử trí đúng cách.
- Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ em có thể tự khỏi trong vài ngày, không đáng lo ngại nhưng nếu triệu chứng không thuyên giảm trong 10 ngày, trẻ bị đau mắt dữ dội, nhạy cảm hơn với ánh sáng, mí mắt sưng húp,... thì cần đến gặp bác sĩ ngay.
+ Với những trường hợp đã thăm khám và được bác sĩ chỉ định đơn thuốc điều trị đau mắt đỏ, cha mẹ cần:
- Cho con dùng thuốc theo đúng đơn và hướng dẫn từ bác sĩ.
- Không tự ý mua bất cứ loại thuốc nhỏ trị đau mắt đỏ nào cho con, việc làm này có thể khiến trẻ dùng phải thuốc chứa corticoid làm tăng nhãn áp và nguy cơ bội nhiễm.
- Cách nhỏ mắt cho trẻ: dùng 1 tay tỳ kéo mi mắt dưới của trẻ xuống, tay còn lại nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Chú ý nhỏ cả hai bên mắt vì dù chỉ bị ở 1 bên nhưng thường sau khoảng 48 giờ mắt còn lại cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
- Khi nhỏ mắt không được để đầu lọ thuốc nhỏ chạm vào mắt trẻ, cố gắng nhỏ thuốc vào cùng đồ mi dưới 1cm để thuốc không bị chảy ra ngoài.
4. Chăm sóc khi trẻ bị đau mắt đỏ
- Khi trẻ bị đau mắt đỏ cha mẹ cần cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin tổng hợp từ trái cây tươi.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi nhờ đó mà khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với màn hình của thiết bị điện tử.
- Không cho trẻ bơi hoặc tiếp xúc với nguồn nước chứa hóa chất.
- Khi tắm gội cho trẻ không được để nước chứa sữa tắm hay dầu gội dính vào mắt trẻ.
- Cho trẻ dùng khăn mặt riêng và luôn chú ý rửa tay trẻ sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chạm vào bề mặt ở các đồ dùng công cộng.
- Cho trẻ đeo kính khi đi ra ngoài để tránh tiếp xúc với các chất làm kích thích đến mắt.
- Tránh để trẻ dụi hay chạm tay vào mắt để không gây tổn thương giác mạc.
- Dùng nước muối sinh lý 0.9% để rửa mắt mỗi ngày cho trẻ.
- Theo dõi diễn tiến các triệu chứng ở mắt trẻ, nếu phát hiện tình trạng nặng hơn cần thông báo với bác sĩ ngay để được can thiệp kịp thời.
5. Biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ cho trẻ
Như đã nói ở trên, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em rất dễ lây và gây nên những triệu chứng khó chịu. Vì thế, để phòng ngừa bệnh cho con mình, cha mẹ nên:
- Hướng dẫn, tạo thói quen thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ cho con.
- Trước khi chạm vào mắt trẻ cha mẹ cũng cần đảm bảo tay của mình đã được vệ sinh sạch bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Không để trẻ tiếp xúc với người bị bệnh viêm kết mạc.
- Không cho trẻ dùng chung khăn mặt, nhỏ chung thuốc hay dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
- Giặt riêng đồ dùng cá nhân của trẻ với các thành viên khác trong gia đình.
- Trẻ có tiền sử viêm kết mạc dị ứng thì vào mùa có nhiều bụi hay phấn hoa cha mẹ nên đóng kín cửa sổ và cửa ra vào để những tác nhân này không bay vào nhà.
Mong rằng những chia sẻ này có thể giúp cha mẹ biết cách xử trí đúng với bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em để chủ động bảo vệ con mình trước những tác nhân gây bệnh
DSV. Nguyễn Vẽ-Phòng DSTT&GDSK
Nguồn: https://cdc.thuathienhue.gov.vn/