Sử dụng rượu bia không hợp lý không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người mà còn gây ra nhiều hậu quả đáng thương tâm
Rượu bia là đồ uống phổ biến được sử dụng rộng rãi trong dân chúng ở mọi nơi, mọi lúc như: lễ hội, tiệc tùng và nó được xem như một đồ uống không thể thiếu.
Tuy nhiên, với việc sử dụng rượu bia ngày một tăng thì các tác hại của nó càng trở thành mối quan tâm của ngành y tế và toàn xã hội. Tổ chức Y tế thế giới đã xác định nghiện rượu là một bệnh. Ngày nay, cùng với việc sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng thì những tác động có hại của rượu lên sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần cũng ngày càng nghiêm trọng. Rượu là thủ phạm gây ra nhiều bệnh lí nội khoa và một số rối loạn tâm thần nguy hiểm và tác động tiêu cực của nó đối với gia đình và xã hội…ngày càng nặng nề.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%). Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh.
Một số tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe
Tác hại chung:
Làm chậm hoạt động của não, ảnh hưởng tới sự tỉnh táo, sự phối hợp và thời gian phản ứng, ảnh hưởng tới giấc ngủ và chức năng tình dục…
- Tác hại cụ thể trên một số hệ thống, cơ quan của cơ thể:
+ Tác hại trên gan: Rượu là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau vi rút viêm gan B…Các bệnh lý gan do rượu thường gặp là: Gan nhiễm mỡ do rượu - Viêm gan do rượu - Xơ gan do rượu - Ung thư gan.
+ Tác hại trên dạ dày: có thể gây viêm và loét dạ dày, nguy hiểm hơn là gây ra thủng dạ dày và chảy máu dạ dày.
+ Tác hại trên tim mạch, huyết áp: gây ra thiếu B1 làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức… dần dần dẫn tới suy tim. Nhiễm độc rượu dẫn tới viêm cơ tim cấp, gây nguy cơ tử vong cao.
+ Đối với một số bệnh lí nội tiết: làm suy giảm chức năng của các hormon của não.
+ Trên não bộ: Nghiện rượu mãn tính làm cho các tế bào não chết dần đi, não bộ teo lại. Làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến thính giác, khứu giác, thị giác.
+ Tác dụng trên khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản.
+ Đối với nam giới: Làm giảm ham muốn tình dục và nghiện rượu còn làm giảm lượng tinh trùng.
+ Đối với nữ giới: nghiện rượu sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản,có thể dẫn đến vô sinh.
+ Đối với thai nhi: người mẹ mang thai nếu uống rượu sẽ gây Hội chứng thai nhi rượu gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng về thể chất, tâm thần và hành vi của trẻ sau khi ra đời.
- Tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần:
+ Sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số các bệnh lí rối loạn tâm thần:
* Rối loạn tâm thần cấp (say rượu): là hậu quả của nhiễm độc rượu nhất thời, thường xảy ra ở những người uống quá ngưỡng dung nạp.
* Nghiện rượu có khoảng 10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời
* Loạn thần do rượu: là nhóm các biểu hiện rối loạn tâm thần, phát sinh và phát triển liên quan trực tiếp đến nghiện rượu.
- Là một yếu tố thúc đẩy gây tái phát một số các bệnh tâm thần.
- Ảnh hưởng đến triệu chứng bệnh tâm thần và kết quả điều trị.
- Tác hại của rượu đối với các vấn đề gia đình và xã hội:
Bên cạnh những tác hại đó, việc sử dụng rượu bia có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề của gia đình và xã hội như: gây xung đột, bạo lực gia đình, gây mất an toàn giao thông 40% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, làm gia tăng tỉ lệ phạm tội, tỉ lệ tự sát.
Dưới đây là những cách làm giảm tác hại của rượu bia:
· Nên ăn đồ ăn nhẹ trước khi uống rượu bia.
· Không nên uống rượu bia kết hợp với các loại nước ngọt có ga sẽ làm ta dễ bị say nhanh hơn.
· Sau khi uống rượu bia có thể ăn hoặc uống các loại trái cây có nhiều vitamin như: bưởi, cam, quýt…
· Có thể uống nước khi uống rượu bia bởi nước sẽ hòa loãng rượu bia trong cơ thể bạn.
Phải khẳng định rằng không có ngưỡng nào là uống rượu bia an toàn. Để bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền và lễ hội, khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu bia, đặc biệt không uống khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.
Bs Hồ Viết Thoại – TTYT huyện Nam Đông