Tìm kiếm tin tức
Tìm đường đi
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Bảng lịch

Bảng lịch

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BỆNH MELIOIDOSIS (BỆNH WHITMORE)
Ngày cập nhật 18/09/2019

Melioidosis là bệnh do trực khuẩn gram âm sống nội bào Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh được mô tả lần đầu tiên bởi Whitmore và Krishnaswami. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, bao gồm nhiễm trùng không triệu chứng, loét khu trú/áp-xe dưới da, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, áp-xe tại các cơ quan nội tạng...
Bệnh đã được ghi nhận từ lâu tại các nước như Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Bắc Úc và một số khu vực khác.

B.pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất bùn và nước. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, do vi khuẩn di chuyển từ đất lên mặt nước, đồng thời mưa kèm gió làm phân tán các hạt bụi trong không khí.
Nhiễm trùng xảy ra do tiếp xúc qua da với đất hoặc nước bị nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da (đường lây truyền bệnh chủ yếu); hoặc do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn (thường dẫn đến thể bệnh viêm phổi, là đường lây truyền bệnh quan trọng trong mùa mưa kèm có gió mạnh).
Bệnh có thể xảy ra ở người bình thường khỏe mạnh, nhưng thường gặp hơn ở những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, nghiện rượu, có bệnh lý thận hoặc bệnh phổi mạn tính...

Những biểu hiện lâm sàng thường gặp là: Viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, loét da hoặc áp-xe, viêm khớp nhiễm trùng và viêm xương - tủy xương, viêm não-tủy, viêm tiết niệu-sinh dục ...
Viêm phổi là bệnh cảnh lâm sàng hay gặp nhất, chiếm khoảng 50% số ca. Viêm phổi có thể biểu hiện nhẹ hoặc diễn tiến thành viêm phổi cấp nặng với sốc nhiễm trùng kèm theo. Bệnh nhân có kèm nhiễm trùng huyết thường có sốt, mệt, ho, đau ngực. X quang phổi có hình ảnh thâm nhiễm dạng nốt lan tỏa có thể ở cả 2 trường phổi, tổn thương liên kết lại, tạo hang, tiến triển nhanh, phù hợp với hình ảnh viêm phổi hoại tử, nhiều ổ áp-xe do lan từ đường máu tới trên sinh thiết phổi. Viêm phổi bán cấp hoặc mạn tính thường có biểu hiện giống lao phổi với sốt, sụt cân, ho đàm, có khi ho ra máu, thâm nhiễm thùy trên phổi có hoặc không tạo hang trên phim X quang.
Triệu chứng và dấu hiệu của viêm khớp và viêm xương tủy xương có thể là biểu hiện ban đầu khiến bệnh nhân nhập viện điều trị hoặc khởi phát sau khi nhập viện với một chẩn đoán ban đầu khác, thường là viêm phổi. Khớp gối là vị trí nhiễm trùng thường gặp nhất, sau đó là mắt cá chân, khớp hông và khớp vai.
Các biểu hiện nhiễm trùng khác bao gồm áp-xe cơ quan như gan, lách, thận, tuyến tiền liệt, áp-xe vùng hàm mặt. Biểu hiện thường gặp là sốt, ớn lạnh, run, có hoặc không kèm tụt huyết áp. Viêm tuyến mang tai có mủ là bệnh cảnh thường gặp ở trẻ em.

Bệnh này không có biểu hiện gì gọi là “ăn thịt người” như một số thông tin không chính xác trên báo chí thời gian vừa qua.

Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào nuôi cấy vi khuẩn. Sử dụng môi trường thạch Ashdown’s chứa gentamicin cho phép chọn lọc sự phát triển của B.pseudomallei. Bệnh phẩm bao gồm máu, đàm, phết họng, phết trực tràng, phết tổn thương da và vết loét, dịch áp-xe.

Sỡ dĩ trong thời gian gần đây có nhiều trường hợp bệnh được công bố là do các bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện bệnh và các phòng xét nghiệm vi sinh đã được hướng dẫn các kỹ thuật chẩn đoán chính xác hơn.
Tất cả bệnh nhân nên được điều trị sớm với liệu pháp tấn công trong ít nhất 2 tuần bằng đường tĩnh mạch, sau đó với liệu pháp duy trì bằng đường uống trong ít nhất 3 tháng. B.pseudomallei có đặc tính đề kháng với penicillin, ampicillin, cephalosporin thế hệ I và II, gentamycin, tobramycin và streptomycin.
• Điều trị tấn công:
Ceftazidime (50 mg/kg đến 2 g TM mỗi 6 giờ) hoặc 6g/ngày (người lớn) hoặc
meropenem (25 mg/kg đến 1 g TM mỗi 8 giờ) hoặc imipenem(25 mg/kg đến 1g TM mỗi 6 giờ)
Phối hợp với cotrimoxazol (40/8 mg/kg đến 1600/320 mg/kg) mỗi 12 giờ trong các trường hợp có tổn thương tại hệ thần kinh trung ương, ổ áp-xe sâu hoặc áp-xe nội tạng, xương, khớp và tuyến tiền liệt.
Thời gian điều trị: Ít nhất 14 ngày hoặc 4 tuần đối với trường hợp nặng như bệnh phổi lan tỏa, ổ áp-xe sâu hoặc áp-xe nội tạng, viêm xương tủy, viêm khớp mủ hoặc viêm não tủy.
• Điều trị duy trì: Cotrimoxazol liều cao (40/8 mg/kg đến 1600/320 mg) mỗi 12 giờ
(> 60kg: 2 viên 960mg (800/160 mg) mỗi 12 giờ; 40-60 kg: 3 viên 480mg (400/80 mg) mỗi 12 giờ; < 40 kg: 1 viên 960mg hoặc 2 viên 480mg mỗi 12 giờ; bổ sung acid folic 5 mg /ngày uống)
có hoặc không kết hợp với: Doxycycline (2,5 mg/kg đến 100 mg) mỗi 12 giờ hoặc thuốc phối hợp amoxicillin-clavulanate.

Thời gian điều trị: tối thiểu 3 tháng, hoặc kéo dài 6 tháng trong trường hợp có viêm xương tủy, viêm não.
 

PGS.TS Trần Xuân Chương

Phó Chủ tịch Hội Truyền Nhiễm Việt Nam

Trưởng Bộ môn Truyền Nhiễm, Trường ĐH Y Dược Huế

Nguồn: https://syt.thuathienhue.gov.vn

Tin mới
Xem tin theo ngày  
báo gia đìnhBáo sức khỏe đời sốngTạp chí Y DượcKênh truyền hình sức khỏe và đời sốngTạp chí Y Dược và mỹ phẩmKênh truyền hình sức khỏe và đời sống,